Nghề trồng tam thất ở Bắc Hà Lào Cai
Tam thất bắc 7 năm tuổi giá 1 triệu/kg
Tam thất được đồng bào người Mông ở Lào Cai coi như một dược liệu quý để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Thậm chí, nó được ví là “kim bất hoán” – vàng không đổi được.
Vậy việc trồng cây tam thất có khó không, chúng ta cùng chia sẻ nghề trồng tam thất với ông Thào Sênh.
Ông Thào Sềnh, ở xã Bản Già, huyện Bắc Hà, cho biết củ tam thất cho tác dụng tốt nhất khi thu hoạch vào tháng 9 – 10 – 11 âm lịch, tức thời điểm cuối đông đầu xuân, nên đồng bào thường gọi vui là biệt dược mùa xuân:
– Thu hoạch tầm tháng 9 – 10 – 11 âm lịch. Tầm đấy là củ nó đẫy nhất. Tam thất, trước đây cũng như bây giờ, bà con thường đem ra chợ bán. Trong nhà người ta trồng chủ yếu để bồi bổ. Ví dụ người già, phụ nữ ở cữ, người ta hay dùng để tần cái này tần cái nọ để ăn. Thậm chí, bị những vết thương, người ta có thể cạo những bột tam thất để đắp vào nó cũng liền nhanh. Thường người ta dùng hoa tam thất và dùng củ tam thất. Hoa tam thất để hãm nước uống và củ tam thất để bồi bổ sức khỏe.
Theo ông Sềnh, trước đây, ở vùng Simacai, Bắc Hà, Mường Khương bạt ngàn cây tam thất, bà con thường trồng trên các triền rừng gần nhà. Những năm 1960, đầu những năm 1970, cây tam thất cũng được nông trường dược Bắc Hà trồng đại trà. Cứ độ cuối tháng 6, tháng 7 âm lịch cây trổ hoa, xanh mướt cả một vùng. Nhưng sau khi nông trường dược giải thể, cây tam thất thưa dần, rất ít gia đình còn giữ lại trồng.
Ông Sềnh bảo loại cây này cũng chọn người mà sinh trưởng nên không phải ai cũng trồng được:
– Tam thất sinh trưởng rất là chậm. Người ta gọi là tam thất mà, 3 – 7 mà, cây tam thất là cây phải trồng từ 3 năm trở lên, 3 năm – 6 năm – 7 năm – 9 năm. Mỗi một vòng như thế thì chất lượng củ tam thất nó khác nhau. 3 năm thì củ tam thất chỉ bằng đầu ngón tay trỏ thôi, nhưng 6 – 7 năm thì củ tam thất sẽ bằng ngón tay cái, rồi đến 9 năm nó sẽ bằng ngón chân cái. Và chất lượng của nó nó tùy theo thời gian mà tốt hơn. Nhà nào có tính kiên trì thì người ta mới trồng được. Chứ nhà nào có tính vội vã thì không thể trồng được cây đấy. Cho nên không phải ai ai cũng trồng.
Là cây trồng “khó tính” nên chỉ những vùng núi cao, có khí hậu quanh năm lạnh mát mới thích hợp cho loài cây này phát triển. Đất trồng, phải là vùng đất thịt, được bón phân tăng độ màu mỡ mới giúp cây phát triển nhanh. Thường người ta chọn núi đất hoặc núi đất xen núi đá, có độ ẩm. Bón phân xong, người ta trồng cây. Khoảng một năm xới xáo lại một lần, bón phân chuồng.
Tam thất không ưa ánh sáng nên bà con thường trồng dưới những tán rừng hay làm giàn che để tạo bóng râm cho cây nhanh lớn. Làm giàn nhất thiết phải cách ngọn cây 20 – 30 cm để cây có không gian sống. Cây nhú ngọn lên cao bao nhiêu, người ta tăng chiều cao của giàn lên bấy nhiêu. Nguyên liệu phủ giàn tốt nhất là rơm, phủ với độ dày vừa phải, sao cho những tia nắng nhẹ lọt xuống được.
Vì trồng ở nơi có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm nên không phải vất vả nhiều trong khâu phòng trừ sâu bệnh. Nhưng cũng chính vì thế mà ở khâu chọn giống, đồng bào đặc biệt coi trọng. Theo kinh nghiệm dân gian, giống cây phải được lựa từ những cây tam thất từ 3 tuổi trở lên, đem ươm trong đất trộn trấu, tro, tưới ẩm, có giàn che, khoảng 2 – 3 tháng là có thể đem trồng.
BS Nhân Tâm